Sở Nông nghiệp và PTNT có chức năng quản lý lĩnh vực khá rộng và đặc biệt quan trọng của tỉnh, có nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp và gắn chặt với kết quả thực hiện các nhiệm vụ KT-XH của tỉnh. Thời gian qua, lãnh đạo Sở đã quan tâm, đề xuất các giải pháp và tích cực thực hiện. Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết giai đoạn I Đề án tôm – lúa, kết quả cho thấy năng suất và hiệu quả tôm – lúa đạt khá cao; đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của chính quyền và nhân dân địa phương trong quy hoạch, bố trí lại sản xuất, vật nuôi, cây trồng hợp lý và hiệu quả hơn. Một số mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Công tác quyết toán nguồn kinh phí Đề án tôm - lúa thực hiện đúng theo quy định, chưa phát hiện sai phạm. Đến nay tỉnh đã quy hoạch 03 cụm nuôi tôm công nghiệp tập trung (thành phố Cà Mau 02 cụm với 1.356 ha và Đầm Dơi 01 cụm với 634 ha); quan tâm đầu tư lưới điện ba pha, xây dựng các trạm biến áp, cải tạo đường dây trung thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp. Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến phát triển nhanh và đạt hiệu quả cao. Đến cuối tháng 9/2013 diện tích nuôi ước đạt trên 32 nghìn ha, tăng trên 11,6 nghìn ha so với năm 2012, đạt 84,3% kế hoạch. Sở đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát và công bố, lập dự án xây dựng bờ kè ở một số khu vực xung yếu; tổ chức di dời các hộ dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho hộ nghèo quản lý, canh tác, đến nay đã giao cho 4.478 hộ với tổng diện tích 21.135,3 ha. Hiện đang triển khai thực hiện 04 dự án định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 04 huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, Phú Tân. Từ năm 2011 - 2013 đã xây dựng tổng số 28 công trình cấp nước tập trung đạt quy chuẩn QCVN02/2009/BYT, với chiều dài 139,22 km, có tổng mức đầu tư 35,171 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 3.902 hộ. Tuy nhiên, trong thực hiện một số kiến nghị chưa thật sự quyết liệt và đạt hiệu quả cao như: công tác lập, quản lý quy hoạch còn chậm; tuyên truyền, vận động nhân dân nuôi tôm công nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế; quản lý chất lượng tôm giống chưa tốt; quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả chưa cao…
Sở Nội vụ có chức năng quản lý Nhà nước đối với một lĩnh vực rất quan trọng và nhạy cảm, thời gian quan Sở đã thực hiện tương đối tốt công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh, chất lượng từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hàng năm Sở Nội vụ đã tham mưu, phối hợp, hướng dẫn các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố tổ chức tuyển dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức theo quy định; chất lượng đội ngũ công chức, viên chức của tỉnh từng bước được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập (theo Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ) và Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức các cơ quan hành chính nhà nước (theo Nghị định số 36/2013/NĐ-CP, ngày 22/4/2013) và đang được Sở Nội vụ phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn tuyển dụng viên chức ở một số đơn vị đặc thù… Tuy nhiên, trong chỉ đạo, thực hiện một số kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh đạt hiệu quả chưa cao như: công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về biên chế còn hạn chế; chưa khắc phục triệt để tình trạng vừa thừa vừa thiếu biên chế; chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng các Đề án vị trí việc làm theo quy định còn rất chậm… Sở Nội vụ chưa quyết liệt chỉ đạo hướng dẫn, phối hợp với các đơn vị trong thực hiện điều động, luân chuyển, sắp xếp, bố trí; chưa mạnh dạn đề xuất đưa ra khỏi biên chế những trường hợp không đủ chuẩn…Về Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan hành chính Nhà nước đang trong giai đoạn xây dựng, nhưng số lượng công chức theo Đề án tăng hơn 500 người so với chỉ tiêu biên chế năm 2013. Đối với Đề án vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp cũng tăng lên khoảng 2.000 người. Theo chủ trương chung từ nay đến năm 2016 không tăng thêm biên chế (trừ các trường hợp thêm tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới). Việc xây dựng các Đề án vị trí việc làm như nêu trên là không phù hợp với chủ trương chung hiện nay.
Sở Giáo dục và Đào tạo có chức năng quản lý lĩnh vực chuyên môn đặc thù và rất quan trọng, quản lý lực lượng cán bộ, viên chức khá đông. Năm học 2013-2014, Sở được giao 53 biên chế, hiện có 53; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở được giao 2.368, hiện có 2.553 (biên chế 1.986 người, hợp đồng giáo viên và nhân viên 567 người). Sở đã tích cực thực hiện và đạt kết quả tương đối tốt trên các mặt, về chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, từng lúc trong chỉ đạo, thực hiện một số kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh chưa thật kỳ quyết, còn có biểu hiện buông lỏng ở một số khâu, một số nơi nên hiệu quả đạt được chưa cao. Tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên chưa được khắc phục; thiếu kỳ quyết trong sắp xếp cán bộ, chưa mạnh dạn đưa ra khỏi biên chế những người không đủ chuẩn; tình trạng tuyển dụng cán bộ, viên chức từng lúc, từng nơi chưa đúng theo quy định… Mặt khác, trong triển khai thực hiện có khó khăn, vướng mắc nhưng chưa kịp thời báo cáo, phản ánh để có giải pháp chỉ đạo, khắc phục.
Đánh giá chung của Đoàn giám sát là hầu hết các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã triển khai thực hiện khá tốt các kiến nghị. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, chưa kịp thời thông tin phản hồi về việc tiếp thu, thực hiện các kiến nghị đến Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh hoặc có thực hiện nhưng không báo cáo kết quả cũng như phản ánh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, chấn chỉnh. Đoàn giám sát đã nêu nhiều kiến nghị cụ thể đến UBND tỉnh và các cơ quan được giám sát tiếp tục chỉ đạo thực hiện các kiến nghị sau giám sát của HĐND tỉnh.
Nguyễn Sơn Ca